ỨNG DỤNG GIÁO DỤC STEAM TẠI VIỆT NAM

05/07/2020
ỨNG DỤNG GIÁO DỤC STEAM TẠI VIỆT NAM

Bằng phương pháp giáo dục tích hợp nội dung toán, khoa học, công nghệ, kỹ thuật, người học không chỉ được cung cấp kiến thức cơ bản mà còn có khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức và kỹ năng liên quan vào giải quyết các tình huống, yêu cầu của thực tiễn. Nội dung tích hợp này thể hiện qua chương trình giáo dục STEAM.

1.Hiệu quả giáo dục STEAM rất tốt

Tại một số quốc gia phát triển trên thế giới (trong đó có Mỹ), chương trình giáo dục STEAM được ứng dụng rộng rãi. Tại Việt Nam, để cho phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, bối cảnh giáo dục, dựa trên mô hình STEAM này, chương trình được triển khai dưới dạng “Phòng lab tích hợp STEAM bằng tiếng Anh” với 4 môn học: Robotics, công nghệ thông tin (CNTT), tiếng Anh và thiết kế, xây dựng các thiết bị thông minh (còn gọi là TUHOC).

Theo đó, trong môn stem robotics, chương trình sử dụng các thiết bị lego và ngôn ngữ lập trình, học sinh được học cách lắp ráp các mô hình, điều khiển robot. Thông qua các bài thực hành, học sinh còn được trang bị các kiến thức về khoa học tự nhiên, nguyên lý cơ bản của các loại robot đồ chơi thông minh, hướng các em đến khả năng tư duy sáng tạo.

Trong môn CNTT thì cung cấp lý thuyết, thực hành kiến thức liên quan đến kỹ thuật, khoa học máy tính và những ứng dụng thông minh cho người học. Ở môn TUHOC thì chú trọng đến năng lực tự học, năng lực tự chủ, tự quản lý bản thân, giao tiếp, hợp tác, tư duy, giải quyết… Riêng môn tiếng Anh, ngoài kiến thức kỹ năng sử dụng tiếng Anh thì kiến thức tự nhiên, xã hội cũng được lồng ghép.

Trong đó cho phép giáo viên, học sinh tương tác thông qua phần mềm hỗ trợ dạy học, quản lý. Tại đây giáo viên có thể thiết lập các nhóm, theo dõi mọi hoạt động học tập của học sinh; ngược lại, học sinh vừa có thể học ở trường, học online tại nhà qua hệ thống E-learning...

Ứng dụng giáo dục STEAM

Ứng dụng giáo dục STEAM

Ông Đỗ Văn Tuấn (đại diện đơn vị thực hiện chương trình) cho biết: “Điểm nổi bật của chương trình này là ứng dụng CNTT và sử dụng tiếng Anh. Nội dung dạy - học dựa trên các bài thực hành, đan xen linh hoạt giữa hình thức học trực tuyến và học trực tiếp.

Đặc biệt kiến thức các môn không còn tách biệt, rời rạc mà chúng được tích hợp một cách nhuần nhuyễn, gắn bó với nhau và cùng hướng tới một mục đích giải quyết những yêu cầu ứng dụng.

Vì thế người học vừa được hình thành kỹ năng công nghệ, kỹ năng mềm, hình thành kỹ năng tiếng Anh…, lại vừa dễ dàng giải quyết mọi yêu cầu công việc được đưa ra. Đây còn là điều kiện để người học phát triển tư duy, tính sáng tạo của bản thân”.

Theo ông Tuấn, chương trình “Phòng lab tích hợp STEAM bằng tiếng Anh” đã được triển khai giảng dạy đến nay khoảng 3 năm, tại một số trường trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Kết quả mang lại rất tốt đã được thể hiện rõ tại Cuộc thi robotics quốc tế DYA 2013 (tổ chức tại Philippines) - cuộc thi đông học sinh Việt Nam tham gia. Trong đó, học sinh Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) đạt giải vô địch cấp độ sơ cấp; học sinh Trường TH Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) đạt giải nhì cấp độ trung cấp với chủ đề “Xây dựng thành phố tốt hơn để có cuộc sống tốt hơn”.

2.Triển khai giáo dục STEAM đến nhiều địa phương

Trước những kết quả mà “Phòng lab tích hợp STEAM bằng tiếng Anh” mang lại, dự kiến trong năm 2014 chương trình sẽ nhân rộng trong cả nước, với sự tham gia học tập của khoảng 3.000 học sinh.

Tuy nhiên, tại buổi hội thảo “Giáo dục STEAM trong chương trình giáo dục phổ thông của một số nước và vận dụng vào điều kiện Việt Nam” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa qua, có không ít ý kiến của giáo viên cho rằng cần nghiên cứu triển khai rộng hơn nữa vào nền giáo dục Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi “lực lượng lao động trẻ phải biết vận dụng kiến thức linh hoạt vào công việc, thích ứng nhanh với biến đổi của thị trường lao động ở thế kỷ 21”.

Ứng dụng giáo dục STEAM

Ứng dụng giáo dục STEAM

Theo phát biểu của ông Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), hiện có không ít học sinh - sinh viên thiếu kỹ năng thực hành nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ, năng lực ngoại ngữ, hoạt động xã hội. Trong quá trình lao động thì thiếu tính chủ động, sáng tạo. Nguyên nhân là do giáo dục còn một số hạn chế như: Chưa gắn kết giữa kiến thức, kỹ năng của các môn học tự nhiên trong nhiều tình huống và hiện tượng đời sống.

Các môn toán, khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ được xây dựng theo cách tiếp cận nội dung, chưa coi trọng yêu cầu hình thành và phát triển năng lực, cách tiếp cận liên môn, xuyên môn. Nội dung của các môn học còn tách rời, độc lập.

Tương tự, TS. Tạ Ngọc Trí (Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT) cũng đưa ra hạn chế tồn tại: “Chương trình, nội dung các môn học được xây dựng từ nhiều tác giả khác nhau và được giảng dạy với nhiều giáo viên khác nhau, vì thế các môn học có xu thế chuyên sâu, hàn lâm, khiến tính tương tác, hỗ trợ, bổ sung cho nhau của các môn rất ít, kéo theo đó học sinh tiếp thu hệ thống kiến thức không đồng bộ. Thực tế chứng minh nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông nhưng thiếu kỹ năng giải quyết công việc”.

Trước những hạn chế trên, nhiều giáo viên cho rằng, rất cần tích hợp các môn học theo xu thế của giáo dục STEAM. Trước mắt, để vận dụng giáo dục STEAM trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới thì nên mạnh dạn biên soạn chương trình, thử nghiệm mô hình này ở một số trường trung học thực hành của các trường ĐH sư phạm. Song song đó cũng cần xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực dạy tích hợp, liên môn, xuyên môn. Với từng bước chuẩn bị, việc triển khai, ứng dụng STEAM hoàn toàn không khó.

Để vận dụng giáo dục STEAM trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới thì nên mạnh dạn biên soạn chương trình, thử nghiệm mô hình này ở một số trường trung học thực hành của các trường ĐH sư phạm.

Viết bình luận của bạn: